Làng nghề Bàu Đá ngày nay Rượu Bàu Đá

Ngày nay phong trào nấu rượu ở làng nghề phát triển mạnh, nhưng chất lượng đang bị suy giảm. Tuy vậy, vẫn còn những gia đình giữ được truyền thống nấu xưa nay và cho phẩm chất tốt. Muốn có được những lít Rượu Bàu Đá ngon nhất thì phải tìm đến đúng những hộ dân nấu ngay tại làng nghề truyền thống Bàu Đá.[2] Bởi vì cái hồn của Rượu Bàu Đá được tạo nên từ chính nguồn nước ngầm của làng nghề. Nếu cùng những nguyên liệu như nhau mà nấu ở nơi khác, không dùng nước ngầm tại làng thì sẽ không đạt chất lượng.[3]

Ngày 10 tháng 6 năm 2011, tại UBND xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đã tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”, theo đó có 53 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá nhân nấu rượu thuộc Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định được sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Từ tháng 8-2007 đến tháng 6-2010, sau 1 quá trình thương thảo, Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định và Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh - Đà Nẵng đã đạt được thỏa thuận với nhau về nhãn hiệu và Cục sở hữu trí tuệ đã chấp thuận cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Như vậy, trên thị trường hiện có chính thức 2 nhãn hiệu rượu Bàu Đá, đó là nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” Bình Định và nhãn hiệu “Rượu Bầu Đá” của Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh - Đà Nẵng.[4]